Nội dung này, UBND tỉnh tiếp thu, giải trình như sau:
Vùng đất giáp biên giới Campuchia là một vùng rộng lớn thuộc địa bàn các huyện phía Bắc của tỉnh Long An. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, theo chủ trương khai thác và lấp kín vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh đã thành lập các Đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp, trong đó có lực lượng Thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng của tỉnh Long An (Theo Quyết định số 1755/UB.QĐ.86 ngày 16/10/1986 của UBND tỉnh về việc ban hành qui định tạm thời việc gọi thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng của tỉnh (tên thường dùng: Bộ đội kinh tế) và Đoàn xây dựng kinh tế Thanh niên. Thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng đây là lực lượng thuộc đối tượng đặc thù riêng của tỉnh Long An, Trung ương hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng Thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng sau khi sau khi hoàn thành nhiệm vụ được phục viên, xuất ngũ. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3.857 người tham gia Thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng (trong đó có 41 người đã hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định và 3.816 người chưa được hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế). Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri qua các lần tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An và Đoàn đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp thu, cân đối ngân sách tỉnh và chỉ đạo các ngành chức của tỉnh tham mưu xây dựng Nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho Thanh niên thi hành nghĩa vụ Kinh tế - Quốc phòng của tỉnh Long An và Đoàn xây dựng kinh tế Thanh niên trên địa bàn tỉnh Long An, vào thời điểm thích hợp trong thời gian tới.
- Cử tri huyện Cần Giuộc: Đề nghị tỉnh xem xét có chế độ trợ cấp đối với lực lượng bộ đội phục viên, xuất ngũ tham gia trong nước (biên giới, hải đảo, vùng sâu…) từ năm 1976-1989. Theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (làm nhiệm vụ Quốc tế ở Camphuchia, giúp bạn Lào) sau khi đã phục viên, xuất ngũ (từ năm 1976 - 1989) có hưởng chế độ chính sách nhưng trong thời gian này thì đối với lực lượng tham gia trong nước (biên giới, hải đảo, vùng sâu…) không có chế độ hỗ trợ.
Căn cứ Quyết định số: 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc được qui định tại Điều 2: Đối tượng áp dụng và Điều 3: Quy định về địa bàn, thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
a) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (bao gồm cả số đi lao động hợp tác quốc tế về phục viên, xuất ngũ, thôi việc) trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 hoặc thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng;
b) Công nhân viên chức quốc phòng, công nhân viên chức công an, công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành (gọi chung là cán bộ, công nhân viên chức) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ xã) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã thôi việc, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;
d) Dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý (bao gồm cả thôn, ấp thuộc các xã biên giới) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;
đ) Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.”
“Điều 3. Quy định về địa bàn, thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế
1. Trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ truy quét Ful rô ở Tây Nguyên trong địa bàn và thời gian quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Địa bàn xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện thuộc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1; các tỉnh Tây Nguyên và các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
3. Thời gian xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định như sau:
a) Ở biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979;
b) Ở biên giới phía Bắc từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
c) Truy quét Ful rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992;
d) Làm nhiệm vụ giúp bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
đ) Làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989.
Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế đối với một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.”
Các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số: 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí (khi từ trần).