03/12/2024
Hiện nay các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, người dân nuôi tôm có xu hướng gia tăng và không nằm trong vùng quy hoạch. Đề nghị tỉnh có giải pháp không để người dân nuôi tôm tự phát, làm ảnh hưởng đến vùng chuyên canh lúa lớn nhất của tỉnh
Vấn đề này, UBND tỉnh tiếp thu, giải trình như sau:
- Theo quy hoạch của tỉnh Long An, tỉnh chỉ quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ. Vì vậy, việc người dân đào ao nuôi tôm thẻ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười là hoạt động tự phát, không đúng theo quy hoạch của tỉnh. Chủ trương của tỉnh từ trước tới nay và thời gian tới vẫn là không cho phép nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
- Thời gian qua, từ khi xuất hiện việc người dân tự ý đào ao nuôi tôm thẻ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi tôm thẻ trên địa bàn, như: Công văn số 6483/UBND-KTTC ngày 18/11/2019, Công văn số 1177/UBND-KTTC ngày 09/3/2020, Công văn số 2935/UBND-KTTC ngày 22/5/2020, Công văn số 4616/UBND-KTTC ngày 4/8/2020, Công văn số 2447/UBND-KTTC ngày 29/3/2023; và gần đây là Công văn số 8224/UBND-KTTC ngày 14/8/2024 của UBND tỉnh về việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
UBND tỉnh đã có chỉ đạo quản lý: Đối với hiện trạng diện tích đã nuôi tôm thẻ trước đây, địa phương tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ để tăng cường quản lý, theo dõi chặt chẽ. Theo đó, phải có hệ thống hạ tầng ao nuôi, trang thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật, chấp hành đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực thủy sản, bảo vệ môi trường, không xả thải nước, bùn thải ra môi trường. Đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật, phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu.