Ngày 07.5.2024, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về chấp hành pháp luật trong công tác lập và quản lý đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã có buổi giám sát, làm việc trực tiếp tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn giám sát. Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh Long An. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Thanh cùng các Phó Giám đốc Sở, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Văn hóa, thể thao và du lịch, các phòng, ban chuyên môn dự, tiếp Đoàn giám sát.
Trưởng Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh Trương Văn Nam phát biểu tại buổi giám sát
Theo đánh giá, trong giai đoạn 2021 - 2023, việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh về đầu tư công trung hạn và hàng năm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện khá tốt; cơ bản đảm bảo theo quy định pháp luật về đầu tư công. Sở được giao làm chủ đầu tư 06 dự án/hạng mục công trình, nguồn vốn phân bổ 88,926 tỷ đồng (trong đó có 21,909 tỷ đồng do vốn ngân sách Thành phố HCM hỗ trợ ngân sách tỉnh), đã giải ngân 84,73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,28% kế hoạch.
Việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử, công trình văn hóa sau đầu tư được thực hiện theo quy định, có đổi mới. Sở đã tiến hành phân cấp hầu hết di tích và 02 công trình văn hóa về cho UBND cấp huyện quản lý; chỉ còn lại 03 di tích và 01 công trình văn hóa do Sở trực tiếp quản lý. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử sau khi được đầu tư đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc thu hút đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch, về nguồn; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Thanh báo cáo với Đoàn giám sát
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là việc lập, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công lĩnh vực ngành phụ trách chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là về bảo trì, bảo dưỡng công trình, một số di tích đã và đang xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc lập, thẩm định, phê duyệt (điều chỉnh) dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu ở một số dự án/ hạng mục công trình chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định. Việc giải ngân vốn một số công trình kéo dài, chưa hoàn thành quyết toán. Việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách từ đầu tư công còn hạn chế.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều ghi nhận kết quả đạt được trong thực hiện công tác đầu tư công; đồng thời lưu ý Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nắm vững và tham mưu thực hiện đúng quan điểm của Đảng: văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; việc phát triển văn hóa phải hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế. Trước hết phải chủ động rà soát nhu cầu thực tế để tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương đầu tư các dự án mang tính toàn diện trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch gắn với Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Trong đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, cần có kế hoạch phân kỳ đầu tư cụ thể phù hợp nghị quyết HĐND tỉnh; nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất đầu tư các công trình văn hoá tạo tính biểu trưng, điểm nhấn đặc sắc, ấn tượng của Long An; tham mưu, đề xuất có cơ chế thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quản lý dự án, quản lý vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều phát biểu kết luận buổi giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Trong đó, khẩn trương hoàn thành quyết toán các hạng mục công trình còn kéo dài; khắc phục các hạn chế, thiếu sót qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian qua. Kiểm tra, tổ chức thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các chủ trương, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; chú trọng thực hiện đầy đủ việc đánh giá hiệu quả thực tế các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng để từ đó phát huy hiệu quả đầu tư các công trình di tích lịch sử, văn hóa và khắc phục các hạn chế, hoàn thiện hơn cho các dự án sau; gắn kết quả đánh giá với các giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công trình, dự án đầu tư công, nhất là về công tác duy tu, bảo dưỡng, huy động xã hội hóa, dịch vụ bổ trợ, cơ chế phân cấp quản lý, khai thác.