Nhiều đại biểu quan tâm về công tác thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu về công tác phòng cháy và chữa cháy
Sáng 24/9/2024, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An - Lê Thị Song An chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành tỉnh đối với các dự án luật: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An phát biểu tại hội nghị
Dự thảo Luật PCCC và CNCH sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 Chương, 61 Điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng).
Góp ý đối với dự án luật này, các đại biểu đề nghị bổ sung, sắp xếp một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản quy định trong Luật để chi tiết hơn, rõ nghĩa hơn; đề nghị cần rà soát, phân công nhiệm vụ các cơ quan để bảo đảm tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Đồng thời, một số đại biểu cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số khoản quy định. Như tại điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở, đề nghị bổ sung khoản quy định “6. Chính phủ hướng dẫn chi tiết về điều kiện an toàn phòng cháy, các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn để thi hành”; hay tại điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, đề nghị bổ sung khoản quy định “3. Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ để thi hành”. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị rà soát lại quy định về trình tự thực hiện giữa cơ quan chuyên môn về xây dựng và của cơ quan về thẩm tra, thẩm định và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cho đồng bộ và thống nhất với Luật Xây dựng, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp, thống nhất.

Ông Đặng Văn Xướng - Chủ tịch Hội Luật gia phát biểu đóng góp dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý thì dự án Luật gồm có 8 Chương, 65 Điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị đối với dự án Luật: các đại biểu cho rằng, hiện nay có tình trạng một số công dân Việt Nam thực hiện hành vi mua bán người ở nước ngoài, gây khó khăn trong quá trình điều tra, triệt phá; vì vậy các đại biểu đề nghị bổ sung một số điều, khỏan quy định về tăng cường hợp tác quốc tế, công tác đối ngoại, chia sẻ thông tin tình báo, xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả;...
Đại diện Công an tỉnh phát biểu đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Góp ý đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội, các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung như chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; một số nội dung liên quan chế độ, chính sách đối với sĩ quan;...Ngoài ra, có ý kiến đề nghị, đổi tên chức danh “Chính trị viên” thành “Chính ủy” đối với Ban Chỉ huy quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; đề nghị bổ sung thêm các chức danh tại cấp Đồn của ngành Biên phòng;...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Lê Thị Song An ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các dự án luật: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội và sẽ xem xét, tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa XV./.