image banner
 
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Nhiều đại biểu quan tâm góp ý về ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện

Chiều ngày 25/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Công ty Điện lực cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp đến dự án Luật.

anh tin bai

Quang cảnh chung Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Theo bà Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XI đã thông qua dự án Luật Điện lực năm 2004 và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả hoạt động điện lực trong gần 20 năm qua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên toàn quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta, trong đó ngành điện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, cần thiết phải ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), nhằm đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 55-NQ/TW; Nghị quyết số 36-NQ/TW; Nghị quyết số 16/2021/QH15; Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15; Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ, nhằm đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, minh bạch, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

anh tin bai

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh - Lê Thị Song An thông tin những điểm mới dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8 sắp tới và trường hợp đủ điều kiện thì Quốc hội sẽ xem xét thông qua luôn theo quy trình tại một kỳ họp, dự thảo Luật gồm có 9 Chương, 121 Điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành).

Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 04 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực); gộp 04 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện). Bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần.

anh tin bai

Ông Lê Hoàng Oanh - GĐ Công ty Điện lực Long An phát biểu góp ý đối với Luật Điện lực (sửa đổi)

anh tin bai

Ông Trần Thanh Toản - PGĐ Sở Công Thương phát biểu góp ý

Hội nghị đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ; phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu sổ, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công; về phát triển điện tự sản xuất tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện. Theo đó, đề nghị xem xét lại việc ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật khác (ví dụ như xây dựng, môi trường, …), vì hiện nay giao dịch giữa bên mua điện và bán điện theo hợp đồng, chi phối bởi bộ luật dân sự, luật thương mại nếu ngừng cấp điện dẫn đến thiệt hại, ngành điện có thể bị yêu cầu bồi thường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm góp ý của các đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ xem xét, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu, để làm cơ sở tham gia phát biểu góp ý hoàn chỉnh Luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV./.

Nhật Duy
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement