image banner
 
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An lấy ý kiến Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7

Sáng ngày 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đây là dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 7 sắp tới. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Lê Thị Song An chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các ĐBQH tỉnh, các sở, ngành liên quan trực tiếp đến dự án Luật.

anh tin bai

Quang cảnh các đại biểu tham gia hội nghị

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm 12 Chương 117 Điều, tăng 01 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010. Một số điểm mới của dự thảo Luật: bổ sung các nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản (Điều 5), trong đó, ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (điểm đ khoản 2 Điều 5); bổ sung quy định mới về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI). Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản; bổ sung quy định khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; bổ sung các quy định về tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII), cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản được thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương; Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác, tội phạm về khoáng sản (Điều 111 đến Điều 114).

Đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 09 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về quy hoạch đô thị được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, pháp luật về quy hoạch xây dựng (trên không gian lãnh thổ nông thôn và khu chức năng) được quy định tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung còn chưa thống nhất trong một bộ luật để thống nhất cùng với tên gọi “Quy hoạch đô thị và nông thôn”. Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (nay đề xuất là quy hoạch đô thị và nông thôn) với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 (quy hoạch ngành quốc gia như kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống du lịch; mạng lưới đại học...; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch cảng cạn...; quy hoạch tỉnh với khu chức năng được xác định như công nghiệp...) chưa được quy định rõ.

anh tin bai

Ông Lưu Văn Khánh, PGĐ Sở Xây dựng tham gia phát biểu đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Do đó, cần thiết quy định trong một luật, thống nhất về tên gọi, đồng thời làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đồng thời, thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành T rung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với phạm vi sửa đổi, bổ sung nêu trên, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 05 Chương, 61 Điều.

Tham gia góp ý tại Hội nghị, đối với Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; rà soát bổ sung quy định về ‘đất hiếm”; làm rõ và có sự tách biệt rõ ràng hơn về các tiêu chí, phạm vi, nội hàm, mức độ của việc có thể bị hạn chế (Điều 28) cũng như với khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (Điều 29); về xử lý tiền đặt cọc (Điều 106); rà soát và làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng,…

Đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung việc quy định trong việc lập quy hoạch phân khu cho khu, cụm công nghiệp; nghiên cứu bổ sung hướng dẫn trường hợp một phần diện tích của huyện hoặc các xã khi nằm trong ranh giới quy hoạch chung khu kinh tế, khu du lịch; xem xét việc bổ sung yêu cầu, trách nhiệm đối với cơ quan trình duyệt quy hoạch,…

anh tin bai

Bà Lê Thị Song An, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh phát biểu

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp để có ý kiến góp phần xây dựng hoàn chỉnh các Luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.

Nhật Duy
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement