image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Giám sát chuyên đề năm 2024 về của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh

Sáng ngày 23.8.2024, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh do Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh – Nguyễn Thị Hồng Phúc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh,. Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có ông Lê Trường Chinh - Giám đốc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, ông Phạm Thanh Bình – Phó Giám đốc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các phòng ban chuyên môn của Ban.

anh tin bai
Quang cảnh buổi giám sát
 Thời gian qua, công tác quản lý các khu công nghiệp được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000; đối với các dự án thứ cấp thuộc trường hợp phải quy hoạch chi tiết xây dựng đều được Ban quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương thẩm định đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và sự phù hợp của các loại hình quy hoạch trước khi cấp phép xây dựng cho các dự án. Vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện được tăng cường; các đơn vị đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 về quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Long An. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp được quan tâm. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư và tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được ổn định. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các doanh nghiệp vi phạm quy định của nhà nước. Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch toàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2030 có 51 KCN với tổng diện tích là 12.433 ha, cụ thể như sau: có 36 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.693,29 ha; 04 KCN với diện tích quy hoạch là 550,49 ha đã nộp hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (thành lập KCN) và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; còn lại 11 KCN với diện tích quy hoạch 2.183,5 ha đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, sẽ thực hiện thủ tục thành lập KCN sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Từ khi thành lập KCN đến nay, đã thu hút được 1.945 dự án (989 dự án đầu tư nước ngoài và 956 dự án đầu tư trong nước) với vốn đầu tư (đầu tư mới và tăng vốn): 6.868,7 triệu USD và 140.481,5 tỷ đồng.
 Nhìn chung, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương; các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động tương đối ổn định, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, như: tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, trong 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư tỷ lệ lấp đầy đạt 67,93%; nếu 36 KCN đã được chấp nhận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 43,86%; vẫn một số dự án trễ tiến độ thực hiện so với thời gian quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có dự án đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, được cho gia hạn, nhưng chủ đầu tư chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ hoàn thành hạ tầng đủ điều kiện đi vào hoạt động của một số khu công nghiệp còn chậm (KCN Đức Hoà III - Long Đức, KCN Đức Hoà III- Long Việt, KCN Nam Thuận,…); chi phí đầu tư các khu công nghiệp còn cao so với các tỉnh lân cận trong vùng, hạ tầng kỹ thuật (giao thông) chưa tạo được sự hấp dẫn cho nhà đầu tư thứ cấp; công tác phối hợp giữa sở ngành tỉnh với địa phương trong cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án, tỷ lệ lấp đầy, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn hạn chế, chưa chặt chẽ.

anh tin bai

Bà Nguyễn Thị Hồng Phúc - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh: sớm rà soát quy chế phối hợp về quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành và địa phương theo Nghị định mới của trung ương đảm bảo phù tình hình địa phương; quan tâm, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về các vấn đề hạ tầng xã hội; tăng cường hơn nữa về công tác quản lý nhà nước đảm bảo các khu công nghiệp triển khai theo quy hoạch được phê duyệt; tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng ngoài hàng rào KCN, môi trường, lao động, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, an sinh xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động; tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chủ đầu tư để tham mưu với tỉnh lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư, ngành nghề đầu tư, dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đảm bảo thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, đem lại hiệu quả cao về thu ngân sách, sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu hao ít năng lượng; kịp thời thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền được phân cấp; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện đầu tư trong các khu công nghiệp, qua đó phát hiện những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, tài chính, sử dụng lao động, bảo hiểm và nghĩa vụ tài chính với nhà nước để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời; tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực, có khả năng liên kết để cùng địa phương xây dựng hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quan tâm giải quyết theo thẩm quyền những tồn tại, vướng mắc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thiết lập hệ thống thông tin, đảm bảo kết nối, kịp thời giữa Ban – Nhà đầu tư hạ tầng – Nhà đầu tư thứ cấp và địa phương.

Thanh Điệp HĐND
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement