image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Quốc phòng năm 2018
Luật Quốc phòng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08/6/2018. Chủ tịch nước ký Lệnh số 01/2018/L-CTN công bố ngày 22/6/2018. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và thay thế Luật Quốc phòng năm 2005.

quoc hoi khoa 14 kh thu 5.jpg

​Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Quốc phòng năm 2018 (Ảnh: TTXVN)

Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 02 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005. Cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, Chương này gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), quy định các nội dung về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động quốc phòng; chính sách của nhà nước về quốc phòng; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng và các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng.

Về phạm vi điều chỉnh: Luật Quốc phòng năm 2018 quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung, giải thích một số từ ngữ như:

Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

Phòng thủ đất nước là tổng thể các hoạt động tổ chức, chuẩn bị và thực hành về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.

Xâm lược là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Chiến tranh thông tin là một loại hình thái chiến tranh, bao gồm các hoạt động, biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống thông tin của đối phương và bảo vệ hệ thống thông tin của Việt Nam.

Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

Luật quy định 05 nguyên tắc hoạt động quốc phòng, bao gồm: (1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; (2) Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; (3) Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; (4) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; (5) Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.

Chương II. Hoạt động cơ bản về quốc phòng, gồm 10 điều (từ Điều 7 đến Điều 16), quy định các nội dung về nền quốc phòng toàn dân; phòng thủ quân khu; khu vực phòng thủ; giáo dục quốc phòng và an ninh; động viên quốc phòng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; phòng thủ dân sự; đối ngoại quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương, địa phương.

Về nền quốc phòng toàn dân, Luật đã quy định cụ thể 11 nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân (khoản 2, điều 7), đây là nội dung cơ bản mang tính xuyên suốt của hoạt động quốc phòng. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng (tại điểm e khoản 2 Điều 7, điểm c khoảng 2 Điều 8, điểm đ khoản 2 Điều 9) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Liên quan đến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, Luật đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu (Điều 8) để phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và lịch sử phát triển trên 70 năm của các quân khu. Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc "từ xa, từ sớm" Luật quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ (điểm b khoản 2 Điều 9). Để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô; Luật đã bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (khoản 3 Điều 9).

Luật quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm d khoản 2 Điều 15). Đồng thời, quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (điểm e khoản 2 Điều 15). Để phù hợp với thực tiễn đã và đang thực hiện về công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương, Luật quy định bộ, ngành Trung ương có ban chỉ huy quân sự (khoản 2 Điều 16) để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp (khoản 3 Điều 16).

Luật Quốc phòng đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu để phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và lịch sử phát triển trên 70 năm của các quân khu. Theo đó, Luật quy định phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, bao gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu.

Chương III. Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, gồm 6 điều (từ Điều 17 đến Điều 22), quy định các nội dung về tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh; ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tổng động viên, động viên cục bộ; quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thiết quân luậtvà giới nghiêm.

- Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh: Luật quy định, khi Tổ quốc bị xâm lược, Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh. Khi hành vi xâm lược được chấm dứt trên thực tế, Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh.

- Ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng: Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.Khi không còn tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương.Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổng động viên, động viên cục bộ: Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh.Khi thực hiện lệnh tổng động viên, Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.

Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng.Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.

Khi không còn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

- Quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng: Căn cứ vào quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền ra mệnh lệnh đặc biệt để bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu tại khu vực có chiến sự.Người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có chiến sự phải chấp hành mệnh lệnh đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

-  Thiết quân luật: Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.Lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thiết quân luật, biện pháp, hiệu lực thi hành; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa phương thiết quân luật thực hiện các biện pháp thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của pháp luật. Trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa phương thiết quân luật được giao cho đơn vị quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp đặc biệt quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật này và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Khoản 6 Điều 21 của Luật quy định các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm:

+ Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;

+ Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;

+ Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;

+ Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.

Trong thời gian thiết quân luật mọi hoạt động tại địa phương thiết quân luật phải tuân thủ lệnh thiết quân luật và các biện pháp đặc biệt. Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương thiết quân luật đã ổn định thì Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ. Luật giao Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy đơn vị quân đội, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật.

- Giới nghiêm

Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã;

+ Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn.

Lệnh giới nghiêm phải xác định nội dung sau đây: (1) Khu vực giới nghiêm; (2) Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm; (3) Thời hạn bắt đầu và kết thúc hiệu lực, nhiều nhất không được quá 24 giờ; khi hết liệu lực, nếu cần thiết phải tiếp tục giới nghiêm thì phải ban bố lệnh mới; (4) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm; (5) Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.

Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm bao gồm: (1) Cấm tụ tập đông người; (2) Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định; (3) Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định; (4) Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát; (5) Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.

Chương IV. Lực lượng vũ trang nhân dân, Chương này gồm 6 điều (từ Điều 23 đến Điều 28), quy định các nội dung về thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân; quân đội nhân dân; công an nhân dân; dân quân tự vệ; chỉ huy quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ.

Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

- Nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân: Hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như sau:

+ Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

+ Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định.

- Quân đội nhân dân: Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương. Luật quy định ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.

Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Công an nhân dân: Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, chỉ huy, bảo đảm hoạt động, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng. Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Việc phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ theo quy định của Chính phủ.

- Dân quân tự vệ: Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhà nước xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Chỉ huy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ

Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ có hệ thống chỉ huy được tổ chức theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.

Chương V. Bảo đảm quốc phòng, gồm 5 điều (từ Điều 29 đến Điều 33), quy định các nội dung về bảo đảm nguồn nhân lực; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng; bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại; bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

Chương VI. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, gồm 6 điều (từ Điều 34 đến Điều 39), quy định các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 1 điều (Điều 40) quy định về hiệu lực thi hành.

Luật Quốc phòng năm 2005 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

BBT

Kiến Quốc (PCVP)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement